top of page
Tìm kiếm

#5 - TÌM HIỂU QUY TRÌNH TRUYỀN THÔNG CỦA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH

  • Ảnh của tác giả: TTXK MediaLish
    TTXK MediaLish
  • 4 thg 11, 2024
  • 6 phút đọc

Đã cập nhật: 7 thg 11, 2024

Ở kỳ trước, chúng mình đã có cơ hội tìm hiểu về quy trình truyền thông quốc tế trong giai đoạn cận đại, các yếu tố trong quá trình truyền thông và cách mà truyền thông góp phần định hình thế giới và kết nối các nền văn minh với nhau.

Và để giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy trình truyền thông quốc tế trong thời kỳ cận đại, chúng mình sẽ cùng phân tích một ví dụ nổi bật cho mô hình truyền thông của giai đoạn này, đó chính là quy trình truyền thông của Công ty Đông Ấn Anh (EIC) - một tổ chức thương mại quyền lực, đã đóng vai trò quan trọng như nhà thám hiểm, thương nhân, và đồng thời là cơ quan đại diện chính quyền Anh tại châu Á. EIC không chỉ thúc đẩy giao thương mà còn trở thành cầu nối thông tin quan trọng, báo cáo tình hình thương mại tại châu Á cho châu Âu.

Công ty Đông Ấn Anh đã có những đóng góp to lớn trong việc truyền tải những thông tin quan trọng liên quan đến tình hình chính trị và thương mại từ các khu vực mà họ hoạt động ở châu Á cho châu Âu, từ đó đã thúc đẩy các hoạt động thương mại và phát triển kinh tế ở châu Âu. Hãy cùng theo chân chúng mình để cùng tìm hiểu cách thức truyền tải thông tin mà công ty Đông Ấn Anh đã thực hiện cũng như những thách thức mà họ đã gặp phải trong quá trình này nhé!

  1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH



Công ty Đông Ấn Anh (EIC), được thành lập vào năm 1600 theo sắc lệnh của Nữ hoàng Elizabeth I, ban đầu là một công ty thương mại cổ phần của Anh. Với đặc quyền độc quyền giao thương với các nước châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, EIC nhanh chóng trở thành một thế lực kinh tế và chính trị lớn. Nhận được sự ủng hộ của chính phủ Anh, EIC không chỉ hoạt động buôn bán mà còn được trao quyền thực hiện các hoạt động quân sự và ngoại giao, biến công ty này trở thành một đế chế thực sự trong lòng đế quốc Anh. Qua các cuộc chiến tranh và ngoại giao khéo léo, EIC dần dần mở rộng ảnh hưởng của mình, thành lập nhiều trạm giao dịch và cuối cùng kiểm soát một phần lớn Ấn Độ, biến nước này trở thành một thuộc địa của Vương quốc Anh.

  1. CÔNG VIỆC BUÔN BÁN CỦA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH



Công ty Đông Ấn Anh (EIC) chủ yếu tham gia vào “thương mại tam giác”, mua hàng dệt may cao cấp từ Ấn Độ bằng kim loại quý, sau đó bán ở các khu vực Đông Ấn để đổi lấy gia vị, đặc biệt là hạt tiêu. Các gia vị này sau đó được bán lại ở London với giá cao, thu lời từ khoản đầu tư hiện kim ban đầu. 


Trong giai đoạn sau, EIC kiếm lời lớn từ việc kiểm soát thị trường muối, trà và bán thuốc phiện cho Trung Quốc. Trà, chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, trở nên phổ biến ở Anh, đến mức giá của nó thậm chí còn thấp hơn bia. Kết hợp với đường từ Caribe, trà trở thành thức uống quốc gia của người Anh. Thú thưởng trà này cũng lan đến Bắc Mỹ, dẫn đến sự kiện Đảng trà Boston khi thuế nhập khẩu trà của EIC được áp đặt. Để mua trà từ Trung Quốc, EIC đã buôn thuốc phiện từ Ấn Độ. Mặc dù Trung Quốc cấm thuốc phiện, EIC vẫn tiếp tục buôn lậu, cuối cùng dẫn đến một chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1839, được gọi là Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất. EIC cũng giao dịch nhiều mặt hàng khác như đồ sứ, lụa, diêm tiêu, chàm, cà phê, bạc và len. 


Công ty Đông Ấn Anh (EIC) sở hữu quyền lực khổng lồ, đến mức nhiều người ở Anh lo ngại rằng việc EIC thu hút lượng bạc lớn khỏi nền kinh tế và nhập khẩu vải dệt từ Ấn Độ đã ảnh hưởng đến ngành dệt may truyền thống ở Anh. Một trong những biện pháp phản hồi là tăng thuế nhập khẩu vải cotton và ban hành các luật ưu tiên cho ngành dệt len. Thậm chí, có một lệnh cấm chôn cất người chết trong trang phục không phải là len. Tuy nhiên, với thời gian, cotton trở nên phổ biến và Anh bắt đầu sản xuất tại các nhà máy lớn, nhất là ở Lancashire. EIC, một cách nào đó, đã đóng góp vào sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp ở Anh.


  1. CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH VÀ QUY TRÌNH TRUYỀN THÔNG TRONG THỜI KỲ CẬN ĐẠI



Với tư cách là nhà thám hiểm, thương nhân, và cơ quan đại diện của nước Anh, công ty này có nhiệm vụ gửi báo cáo thường xuyên về tình hình chính trị và thương mại từ các khu vực mà họ hoạt động, như Ấn Độ, Trung Quốc, và nhiều nơi khác. Những báo cáo của Công ty Đông Ấn gửi về Anh chủ yếu xoay quanh các cơ hội thương mại dồi dào từ các tài nguyên quý giá như gia vị, trà và lụa ở châu Á. Ngoài ra, báo cáo còn đề cập đến các thách thức địa phương, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh như Công ty Đông Ấn Hà Lan. Công ty không chỉ cập nhật tình hình cho chính quyền mà còn giúp nhà đầu tư tại Anh nắm được cơ hội và rủi ro, từ đó thu hút thêm vốn và hỗ trợ chính trị cho các hoạt động thương mại.

Vậy, công ty đã truyền tải những thông điệp này như thế nào? Thông qua thư từ chính thức và các báo cáo in ấn, Công ty Đông Ấn gửi thông tin trực tiếp đến Hội đồng quản trị và chính quyền Anh. Đôi khi, để thu hút sự chú ý của công chúng và nhà đầu tư, những báo cáo này còn được truyền tải qua báo chí. Đến cuối thế kỷ 18, công ty bắt đầu sử dụng công nghệ mới như điện báo để cập nhật nhanh chóng về các tình hình cấp bách ở Ấn Độ và các khu vực lân cận. Đây là một bước đột phá, giúp thông tin được truyền tải nhanh chóng, kịp thời, thay vì phải mất hàng tháng trên biển.

Đối tượng chính của các báo cáo này là chính quyền Anh và Quốc hội - những người quyết định chính sách với thuộc địa. Đồng thời, các nhà đầu tư - những người có tiếng nói quan trọng và góp vốn lớn cho công ty cũng nhận được thông tin này. Phản hồi từ chính quyền Anh thường thể hiện qua các chính sách như tăng cường quân đội tại châu Á hoặc điều chỉnh chính sách thuế. Về phía nhà đầu tư, họ có thể phản hồi bằng cách tăng cường đầu tư hoặc gây áp lực để công ty mở rộng thương mại.

Tuy nhiên, quá trình truyền thông này không tránh khỏi các yếu tố nhiễu. Đầu tiên là điều kiện giao thông đường biển. Thư từ dễ bị gián đoạn do bão, cướp biển, hoặc những yếu tố tự nhiên khác. Bên cạnh đó, khi giao tiếp với các vương quốc châu Á, công ty cũng gặp phải những rào cản ngôn ngữ và văn hóa, dẫn đến hiểu lầm và ảnh hưởng đến chất lượng thông điệp.

Bối cảnh thời kỳ thuộc địa hóa và cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia châu Âu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình truyền thông. Đây là thời điểm các đế chế như Hà Lan, Pháp, và Bồ Đào Nha cạnh tranh quyết liệt để khai thác tài nguyên ở châu Á. Để gia tăng sức mạnh kinh tế, chính quyền Anh đã hỗ trợ mạnh mẽ Công ty Đông Ấn trong các cuộc tranh chấp này.

Công ty Đông Ấn có quyền lực kiểm soát thông tin, lựa chọn những dữ liệu nào được gửi về Anh để kêu gọi sự ủng hộ. Tuy nhiên, chính phủ Anh cũng nắm quyền kiểm soát nhất định trong quá trình xem xét các báo cáo này, để đảm bảo công ty hoạt động theo hướng có lợi cho quốc gia.



 
 
 

Comentários


bottom of page